Mục tiêu cụ thể nhằm tổ chức thực hiện nội dung lấy ý kiến cử tri đối với các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, thị trấn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về sự cần thiết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đến mỗi cử tri. Từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Đảm bảo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri, động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực. Xác định đúng phạm vi, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, tổ chức lấy ý kiến cử tri phù hợp với đặc điểm dân cư, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, Đ/c Hồ Viết Quyết nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng như công tác rà soát, chốt danh sách cử tri đến thời điểm phát phiếu lấy ý kiến; việc Ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, thành lập các Tổ công tác chỉ đạo, Tổ lấy ý kiến cử tri, hướng dẫn các tổ dân phố triển khai việc lấy ý kiến cử tri; thực hiện Tổ chức điền các thông tin vào Phiếu lấy ý kiến cử tri và thành lập các Tổ lấy ý kiến cử tri…
Theo đó, về đối tượng cử tri lấy ý kiến: Là công dân đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú tại địa phương, có từ đủ 18 tuổi trở lên, tính từ thời điểm từ ngày 24/01/2024 trở về trước. Phạm vi, nội dung lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo Mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri (Mẫu số: 1) theo kế hoạch, cụ thể:
- Phạm vi lấy ý kiến của cử tri: Tại 06 Tổ dân phố trên địa bàn thị trấn.
- Nội dung lấy ý kiến cử tri: Về phương án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và tên gọi mới sau khi thành lập thành phố là Thành phố Huế.
Về thời gian niêm yết và tổ chức lấy ý kiến cử tri:
- Niêm yết danh sách cử tri từ ngày 25/01/2024 đến hết ngày 25/02/2024.
- Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri về Đề án từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 02/3/2024.
Về hình thức tổ chức lấy ý kiến cử tri:
- Lấy ý kiến cử tri bằng hình thức phát phiếu theo hộ gia đình.
- Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia lấy ý kiến. Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.
- Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay. Trường hợp cử tri không biết chữ, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào phiếu thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ./.