Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, ngày 27/7 lại đang đến gần, đó là ngày mà nhân dân cả nước nói chung và thị trấn Phú Đa nói riêng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc. Các anh ra đi vì những mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, bàn tay của giặc đã tàn phá dày xéo đất nước nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất của con người Việt Nam. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, là "ăn quả nhớ người trồng cây ", “đền ơn đáp nghĩa”… trân trọng lớp lớp người đi trước… đó là những đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Để có được nền hòa bình độc lập hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, có được những nụ cười, ..... Biết bao người lính đã anh dũng hy sinh, bao nhiêu chiển sĩ đánh đổi cả những giọt mồ hôi nước mắt, để lại một phần thi thể của mình nơi chiến trường khốc liệt. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...".
Ngược dòng thời gian, trở về một thời chiến tranh, bom đạn khốc liệt ấy, cuộc sống của nhân dân ta vô cùng khó khăn và khổ sở; giặc đàn áp, cướp bóc, đánh đập, thậm chí còn giết người nữa… chúng biến nhân dân ta trở thành nô lệ của chúng. Không chịu đầu hàng trước bọn giặc xâm lược, nhân dân ta đã đồng lòng đứng lên để chống lại và dành độc lập tự do.
Đất nước đã hòa bình, nhưng chiến tranh chưa hẳn đã lùi xa, hàng ngày hàng giờ các thế lực thù địch, phản động lưu vong vẫn nhăm nhe chia cắt đất nước, những loại tội phạm nguy hiểm vẫn chực chờ cơ hội, thiên tai lũ lụt vẫn hoành hành.
Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại". "Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ xin được gửi lời tri ân thành kính tới các thế hệ đã chiến đâu vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay. Sống trong cảnh hòa bình, được tự do mơ ước và thực hiện những hoài bão của tuổi trẻ sẽ không quên mảnh đất dưới chân mình đã thấm đượm mồ hôi, xương máu của cha anh đi trước, và xin nguyện sống xứng đáng với những kỳ vọng của các thế hệ đi trước xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, độc lập.
77 mùa thu đã đi qua (27/7/1947-27/7/2024) là 77 mùa tri ân, ngày 27/7 trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên và không bao giờ quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả thường xuyên, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam.